Tiếng khèn được coi như một đặc trưng của người Mông

Tiếng khèn được coi như một đặc trưng của người Mông

Đối với người Mông, tiếng khèn là một đặc trưng rất riêng. Dường như nó mang nặng cả sự linh thiêng hùng tráng của dân tộc, của núi rừng. Khèn mang giá trị tinh thần và đậm đà bản sắc dân tộc riêng biệt. Tiếng khèn được coi là đạo cụ để múa và vũ đạo đẹp mắt. Nó cũng đã trở thành nét đẹp văn hoá nói chung của người Việt Nam hiện nay. Bài viết dưới đây chính là lời giới thiệu về giá trị văn hoá đặc sắc của tiếng khèn Mông.  Truy cập vào Phong tục- Tập quán để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thú vị nhé!!

Tiếng khèn Mông

Khèn Mông là một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo và quan trọng đối với đời sống tinh thần của dân tộc Mông. Cây khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc; nó gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào. Khèn được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; trong vui chơi để thi tài, thể hiện tình yêu đôi lứa và bộc lộ ý chí, nghị lực của người con trai Mông trong sinh hoạt cộng đồng…

Người Mông quan niệm: Con gái Mông phải biết may vá, dệt vải và thêu thùa. Con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Khèn vừa dùng để thổi, vừa là đạo cụ để múa. Múa khèn với các vũ đạo đẹp, dũng mãnh và trữ tình, thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông.

Người thổi khèn giỏi phải biết múa khèn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác để vừa thổi vừa múa. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú. Cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn. Rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc… Tốc độ càng nhanh có nghĩa người múa càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau. Giúp cho người xem được thưởng thức cùng lúc cả hình ảnh uyển chuyển, nhịp nhàng của người múa lẫn âm thanh, tiết tấu đa dạng, biến hóa của tiếng khèn.

Giá trị tinh thần quan trọng

Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. “Chúa kềnh” rất quan trọng và được xem là vật mang giá trị tâm linh. Nó gắn liền với cuộc sống tinh thần của người Mông. Cây khèn rất quan trọng với người Mông. Có những thứ không thể nói bằng lời được thì dùng tiếng khèn để thay cho lời nói. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ để múa. Nó có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Với những bước nhún, bước đảo, bước quay. Hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp.

Giá trị tinh thần quan trọng

Chiếc khèn do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác. Để làm ra một chiếc khèn tốn không ít thời gian. Từ khâu đục bầu, lựa ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng với nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang nối với 1 ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ, mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn 1 lá đồng để tạo âm thanh, riêng ống to và ngắn nhất gắn 2 lá đồng. Khi thổi, âm thanh trầm, bổng, bay cao vút phụ thuộc vào độ dài, ngắn của các ống trúc này.

Tiếng khèn trong đời sống thường ngày

Khèn dùng để thổi trong đời sống hàng ngày (trừ đám cưới) như: ngày hội xuân, chợ phiên, văn nghệ, gọi người yêu (người phụ nữ Mông phân biệt rất giỏi, biết được tiếng khèn nào của người mình yêu). Đặc biệt, cây khèn là vật không thể thiếu trong tang lễ, bởi người Mông quan niệm, tiếng khèn là công cụ để người sống và người chết có thể giao tiếp với nhau. Có tiếng khèn thì linh hồn người chết mới được đưa về tổ tiên. Khèn trong đám tang của người Mông có hơn 60 bài, tùy theo hoàn cảnh gia đình và sự ra đi của người chết, người thổi khèn sẽ tấu những bài phù hợp.

Trình diễn khèn

Nghệ thuật trình diễn khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn. Người múa say sưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà đến bốn người hoặc hơn, khi múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn.

Hình ảnh người Mông trình diễn khèn

Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của cộng đồng người Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong các lễ nghi. Đồng thời, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa thiết thực về tính nhân văn, tính cộng đồng cao, là nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở mỗi địa phương.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội